Dân Tộc La Ha Lào Cai
Dân Tộc La Ha Lào Cai. Dân tộc La Ha với nhiều tên gọi khác như Xá Cha, Xá Khao, Bủ Hà, Klá…đã được công nhận là một dân tộc trong hệ thống 54 dân tộc của Việt Nam. Dân tộc này có địa bàn cư trú khoảng 20 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng tập trung chủ yếu tại Sơn La và Lào Cai. Xem thêm bài viết dân tộc khơ mú Lào Cai
Con người và cuộc sống
Người La Ha thường sống tập trung thành bản, làng nhỏ hoặc sống xen kẽ với người Thái, Khơ Mú. Họ ở nhà sàn với khung bằng gỗ, tre đơn giản, ít được gia công chắc chắn, tường nhà làm bằng phên nứa, mái được lợp bằng lá cây hoặc cỏ gianh. Nhà thường chia thành hai phần tương ứng với hai cửa ra vào với hai cầu thang lên xuống tại hai đầu nhà, một là cửa vào phòng khách, một là cửa vào chỗ sinh hoạt của gia đình.
Trước đây, họ có thói quen ăn cơm nếp theo kiểu đồ xôi. Nay đã có thêm cơm gạo tẻ, ngô và sắn. Thức uống ưa thích là rượu cần.
Về phát triển kinh tế, người La Ha sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy, một số nơi trồng thêm lúa nước và làm vườn. Họ cũng chăn nuôi trâu, bò để lấy sức cày, bừa, kéo và gia cầm như gà, lợn để làm thực phẩm. Ngoài ra, người La Ha vẫn duy trì thói quen săn bắt, hái lượm.
Mặc dù có trồng bông, kéo sợi nhưng người La Ha lại không phát triển nghề dệt nên họ không có trang phục riêng. Họ đem bán bông trồng được rồi mua vải, quần áo của người Thái để mặc. Xem thêm bài viết dân tộc La Chi Lào Cai
Đời sống văn hóa và tinh thần
Trong gia đình người La Ha, chế độ phụ quyền hoàn toàn chiếm ưu thế. Vì vậy, người phụ nữ phải phụ thuộc vào chồng, mang họ chồng sau khi cưới và cũng không được chia tài sản nếu chồng chết trước. Con cái được tự do tìm hiểu nhau thông qua lời hát, tiếng sáo, nhị. Sau lễ dạm hỏi, nếu nhà gái đồng ý thì chàng trai sẽ tổ chức lễ xin ở rể từ 4-8 năm mới được tổ chức lễ cưới. Sau đó cô dâu sẽ về ở nhà chồng.
Người La Ha tin vào thế giới sau khi chết. Họ tổ chức lễ tang theo tục lệ cũ. Chôn người chết cùng với tiền và thóc. Trên mộ dựng một nhà mồ đơn giản và coi đó là nơi trú ngụ của linh hồn người đã khuất.
Vì theo chế độ phụ quyền nên việc thờ cúng cha rất được coi trọng. Hằng năm vào mùa hoa ban nở, người La Ha lại tổ chức lễ mừng xuân (lễ tạ ơn tổ tiên) để đền ơn cha. Trong dịp này, con dâu thường đồ xôi trắng và xôi cẩm, đồ thịt thú rừng đã sấy, và đồ khoai sọ, bầu bí, rau. Sau đó gói thành từng gói riêng trên mâm rồi để lên bàn thờ của cha. Đây là lễ bày tỏ công ơn cha mẹ sinh thành và cầu cho mùa màng trong năm tới.
Dân tộc La Ha có nhiều truyện kể dân gian về các nhân vật anh hùng. Họ còn làm thơ, ca hát bằng tiếng Thái. Múa linga (dương vật) và múa kiếm là hai điệu múa đặc trưng vẫn bảo tồn được giá trị.
Ngày nay, Chính Phủ đã cho ra đời nhiều chính sách hỗ trợ định canh, định cư, các chương trình 134 và 135 đã làm cho cuộc sống của đồng bào La Ha đã phần nào được cải thiện rõ rệt, nâng cao trình độ dân trí, thoát khỏi đói nghèo đảm bảo chất lượng cuộc sống ngày càng bắt kịp với xu thế phát triển chung của đất nước. Tìm hiểu về dân tộc Bố Y Lào Cai